Tư cách pháp nhân là tư cách pháp lý được Nhà nước công nhận cho một tổ chức có khả năng tồn tại, hoạt động độc lập và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Những doanh nghiệp nào có tư cách pháp nhân?
Về bản chất, pháp nhân là “con người” trên phương diện pháp lý.
1. Điều kiện được công nhận là pháp nhân:
Theo Điều 74 Bộ luật Dân sự 2015, một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi đáp ứng đủ 04 điều kiện sau đây:
“Được thành lập theo quy định của Bộ luật Dân sự và luật khác có liên quan.
Có cơ cấu tổ chức:
Có cơ quan điều hành: Việc tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan điều hành phải được quy định trong điều lệ hoặc quyết định thành lập pháp nhân.
Có cơ quan khác theo quyết định của pháp nhân hoặc quy định của pháp luật.
Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng chính tài sản của pháp nhân.
Tổ chức nhân danh chính mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập”
2. Những doanh nghiệp có tư cách pháp nhân:
Theo Luật Doanh nghiệp 2020, ở Việt Nam hiện có 05 loại hình doanh nghiệp bao gồm:
- Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
- Công ty nhiệm hữu hạn một thành viên.
- Công ty cổ phần.
- Công ty hợp danh.
- Doanh nghiệp tư nhân.
Trong số các loại hình doanh nghiệp này, chỉ có duy nhất doanh nghiệp tư nhân là không có tư cách pháp nhân bởi theo khoản 1 Điều 188 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do 01 cá nhân làm chủ, tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp tư nhân đó.