Hợp đồng có thể được thể hiện bằng lời nói, văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể trừ một số trường hợp. Vậy hợp đồng dịch vụ Logistics bắt buộc thể hiện bằng văn bản không?
Hợp đồng dịch vụ Logistics có bắt buộc thể hiện bằng văn bản không?
Theo Điều 513 Bộ luật Dân sự năm 2015: Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên. Theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ. Bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ. Đối tượng của hợp đồng dịch vụ là một công việc cụ thể, không trái pháp luật và đạo đức xã hội.
Hợp đồng dịch vụ logistics là sự thỏa giữa bên làm dịch vụ với khách hàng. Theo đó, bên làm dịch vụ có nghĩa vụ thực hiện hoặc tổ chức thực hiện một hoặc một số dịch vụ liên quan đến quá trình lưu thông hàng hóa để nhận thù lao dịch vụ.
Hiện nay, pháp luật Việt Nam không quy định cụ thể hình thức của hợp đồng dịch vụ logistics. Do đó, hợp đồng dịch vụ logistics có thể được thể hiện bằng lời nói, văn bản hoặc xác lập bằng hành vi cụ thể (theo khoản 1 Điều 74 Luật Thương mại năm 2005).
Tuy nhiên, do tính chất phức tạp của các thỏa thuận, hợp đồng dịch vụ logistics thường được xác lập dưới hình thức văn bản. Đặc biệt, đối với những trường hợp vận chuyển hàng hóa từ khu vực thuế quan này sang một khu vực thuế quan khác. Hợp đồng logistics là cơ sở để thương nhân kinh doanh tiến hành các thủ tục hải quan cần thiết.
Như vậy, có thể xác lập hợp đồng dịch vụ logistics thông qua lời nói, văn bản hoặc hành vi cụ thể. Tuy nhiên, các bên nên ưu tiên lựa chọn hình thức văn bản.