Việc chuyển nhượng nhãn hiệu phụ thuộc vào thoả thuận của các bên và được Nhà nước ghi nhận. Vậy việc chuyển nhượng nhãn hiệu cần chú ý gì?
1. Điều kiện chuyển nhượng
Để có thể chuyển nhượng nhãn hiệu, bên nhận và chuyển nhượng cần chú ý đáp ứng những điều kiện sau:
- Chủ sở hữu nhãn hiệu chỉ được chuyển nhượng quyền của mình trong phạm vi được bảo hộ.
- Việc chuyển nhượng quyền đối với nhãn hiệu không được gây ra sự nhầm lẫn về đặc tính, nguồn gốc của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu.
- Quyền sở hữu đối với nhãn hiệu chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân đáp ứng các điều kiện đối với người có quyền đăng ký nhãn hiệu đó.
2. Hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu
Hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu được hiểu là sự thỏa thuận giữa các bên mà trong đó chủ sở hữu nhãn hiệu sẽ chuyển giao quyền sở hữu nhãn hiệu cho bên nhận chuyển nhượng.
Hợp đồng chuyển nhượng cần nhãn hiệu phải được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp. Khi đó hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu giữa các bên mới có hiệu lực.
Nội dung chính của hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu bao gồm:
- Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng;
- Căn cứ chuyển nhượng;
- Giá chuyển nhượng;
- Quyền và nghĩa vụ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng.
3. Hồ sơ chuyển nhượng nhãn hiệu
- Tờ khai đăng ký theo mẫu quy định;
- Bản gốc hoặc bản sao hợp lệ của hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu;
- Bản gốc văn bằng bảo hộ nhãn hiệu;
- Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu về việc chuyển nhượng nhãn hiệu nếu quyền nhãn hiệu thuộc sở hữu chung;
- Chứng từ nộp phí, lệ phí;
- Giấy ủy quyền nếu nộp hồ sơ thông qua đại diện.